BẾN TRE-Hạn mặn sớm khoảng nửa tháng, cao và xâm nhập sâu hơn trung bình nhiều năm, người dân tranh thủ trữ nước cho sinh hoạt, sản xuất.

Trưa cuối tuần, bà Võ Thị Ngọc Anh (50 tuổi, xã Long Định, huyện Bình Đại) lấy nước nấu cơm từ các bình lọc 10 lít vừa chở về dù nhà có nước máy. “Khoảng hai tuần trước nước máy bị mặn, có ngày độ mặn cao chỉ có thể tắm giặt chứ không uống và nấu ăn được”, bà Anh nói.

Việc nước ở xã Long Định nhiễm mặn do nhà máy ở khu vực lấy nước thô từ sông để xử lý cấp cho dân cùng với mặn về sớm, xâm nhập sâu vào sông khiến nguồn nước bị ảnh hưởng. Gia đình có 3 người cùng dãy nhà trọ hơn 20 phòng nên ngoài trữ hơn 10 m3 nước mưa sử dụng, nếu đợt mặn kéo dài bà Anh cùng những công nhân tốn thêm chi phí mua nước ngọt sinh hoạt.

Túi nhựa trữ 25 khối nước ngọt của gia đình ông Phạm Văn Trí đã được bơm đầy nước dự trữ cho mùa mặn. Ảnh: Hoàng Nam
Túi nhựa trữ 25 khối nước ngọt của gia đình ông Phạm Văn Trí đã được bơm đầy nước dự trữ cho mùa mặn. Ảnh: Hoàng Nam

Cách đó khoảng 10 km, tại xã Giao Long (Châu Thành), mấy ngày qua ông Phạm Văn Trí (65 tuổi) đang súc xả các bể nhựa, xi măng chứa nước ngọt phía sau vườn nhà. Hai năm trước, hạn mặn kéo dài nhiều tháng, ông cùng nhiều người dân hết nước mưa dự trữ phải mua nước ngọt giá 120.000-150.000 đồng mỗi khối. Rút kinh nghiệm, vụ này ngoài các bể chứa khoảng 15 m3, ông mua thêm túi nhựa trữ nước loại 25 m3, giá gần 3 triệu đồng dùng cho nhiều mùa sau.

Theo ông Trí, mọi năm sau Tết Nguyên đán mặn mới xâm nhập chứ không sớm như năm nay. Gia đình trồng hơn một ha dừa vốn chịu mặn tốt, khu vực lại có hệ thống cống ngăn mặn trên sông nên ông chỉ lo thiếu nước ngọt sinh hoạt. “Gia đình chỉ có hai người nên số nước ngọt này dự kiến đủ dùng trong 6 tháng mặn tới”, ông Trí nói.

Ông Đặng Hoàng Lam, Giám đốc Đài Khí tượng thủy văn Bến Tre, thông tin năm nay mặn đến sớm và sâu hơn cùng kỳ những năm trước. Một tuần trước, mặn cách cửa sông lớn như Hàm Luông, Cửa Đại và Cổ Chiên từ 25 km đến 54 km, cao hơn cùng kỳ từ 0,1 phần nghìn đến 2,5 phần nghìn. Những ngày tới, mặn tiếp tục vào sâu và cao hơn cùng kỳ năm ngoái. Độ mặn 4 phần nghìn sẽ vào đến xã Giao Hòa (huyện Châu Thành), cách cửa sông Cửa Đại 41 km.

Người dân vùng hạn mặn ở Bến Tre bên chiếc túi trữ nước ngọt dung tích 7 m3. Ảnh: Hoàng Nam
Người dân vùng hạn mặn ở Bến Tre bên chiếc túi trữ nước ngọt dung tích 7 m3. Ảnh: Hoàng Nam

Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia nghiên cứu sinh thái Đồng bằng sông Cửu Long, nhận định tình hình mặn tăng nhanh ở các sông Cửa Đại, Hàm Luông, Cổ Chiên thuộc Bến Tre gần đây do gió Đông Bắc hoạt động mạnh đẩy nước từ biển vào cửa sông và thủy triều vào kỳ nước rong cuối tháng 11 âm lịch. Tuy nhiên, mùa khô năm 2023 sẽ ít hạn mặn gay gắt.

Ông Thiện cho biết hạn mặn ít gay gắt vì tình trạng La Nina còn kéo dài đến hết tháng 1/2023, tức là khả năng mưa trái mùa từ nay đến Tết. Ngoài ra, theo thông tin của dự án MDM (theo dõi các đập sông Mekong của Trung tâm Stimson, Mỹ), 45 đập thủy điện Mekong đến cuối mùa mưa năm nay (tháng 10) tích nước đầy khoảng 74% thể tích. Đây là lượng nước khá dồi dào, sẽ được xả ra phát điện trong mùa khô tới, làm tăng dòng chảy vào mùa khô ở sông Mekong.

Hai năm trước, hạn mặn kéo dài hơn 6 tháng khiến các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Long An, Kiên Giang, Cà Mau và Sóc Trăng công bố tình huống hạn mặn khẩn cấp. Hạn mặn gây thiệt hại 43.000 ha lúa, 80.000 hộ dân thiếu nước sinh hoạt. Chính phủ đã chi 530 tỷ đồng cho 8 tỉnh ứng phó. Tại Bến Tre, hạn mặn khiến gần 5.000 ha lúa gieo sạ ngoài lịch bị chết héo, hơn 10.000 ha cây ăn quả, 14.000 ha dừa cùng 1.000 ao nuôi tôm thiệt hại.

Hoàng Nam

Theo VnE

By badinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *