Trong tháng 5/2023, trên địa bàn huyện Giồng Trôm liên tiếp xảy ra nhiều vụ bắt giữ người trái pháp luật. Chỉ trong 20 ngày đầu của tháng, huyện đã xảy ra 03 vụ, qua xác minh của cơ quan công an, phần lớn các vụ việc này xuất phát từ việc thiếu nợ. Từ chỗ bắt giữ người trái pháp luật sẽ làm phát sinh các loại tội phạm khác như: cố ý gây thương tích, cưỡng đoạt tài sản…Những hành vi này cần được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Các vụ việc xuất phát từ việc vay mượn nợ không giải quyết được, các đối tượng bất chấp pháp luật, ngang nhiên bắt giữ người, đe dọa, khống chế người khác. Diễn biến các vụ việc như sau:

Vụ “Bắt, giữ người trái pháp luật” thứ nhất, xảy ra vào ngày 01/5/2023 tại ấp Bình Phú, xã Bình Thành.

Trước đây giữa vợ chồng đương sự T. T. T (sinh năm 1983, ĐKTT: xã Tân Thanh, huyện Giồng Trôm, hiện đang cư trú tại Tiền Giang) và ông Đ.V.C (sinh năm: 1994; đang cư trú tại thành phố Thái Bình, tỉnh Thái Bình) có mối quan hệ làm ăn với nhau, qua đó Đ.V.C có nợ vợ chồng T. số tiền 25 triệu đồng.

Vào ngày 30/4/2023, nắm được thông tin ông C đang ở Giồng Trôm nên vợ chồng T. đến tìm. Đến ngày 01/5/2023, vợ chồng T. rủ thêm 04 đối tượng khác tại Giồng Trôm để cùng đi tìm ông C đòi nợ. Nhóm đối tượng gồm 06 người phát hiện vợ chồng ông C đang ở tại một quán ăn trên địa bàn xã Bình Thành, các đối tượng đã xông vào đánh, dùng bình xịt hơi cay xịt vào người ông C rồi khống chế, đẩy ông C lên xe ô tô chở về nhà cha ruột của T ở xã Tân Thanh – Giồng Trôm. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Giồng Trôm đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với 03 đối tượng về hành vi “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tiếp tục xác minh, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Vụ “Bắt, giữ người trái pháp luật” thứ hai, xảy ra ngày 07/5/2023 tại ấp Kinh Trong, xã Bình Hòa.

Anh Đ.C.H (sinh năm: 1987, ĐKTT: phường 12, quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh) là người đi ghe biển, có nợ đối tượng N.T.A (sinh năm: 1982, Địa chỉ: ấp Kinh Trong, xã Bình Hòa, huyện Giồng Trôm) số tiền 50.000.000 đồng. Do đó, A. nhận tiền công đi biển của ông C. để trừ nợ và buộc ông C. ở nhà đối tượng đến khi trả nợ xong. Đến ngày 04/5/2023, H. xin A. về thăm gia đình nhưng không được. Ngày 07/5/2023, H bỏ chạy khỏi nhà A. nhưng đã bị A. bắt lại, đưa trở vào nhà. Hiện vụ việc đang được điều tra, xác minh, làm rõ.

Vụ “Bắt, giữ người trái pháp luật” thứ ba xảy ra ngày 06/5/2023 tại ấp Hưng Bình A, xã Thạnh Phú Đông.

Ngày 06/5/2023, N.V.T (sinh năm: 1987, ĐKTT: xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm ) và P.H.T (sinh năm: 1997, ĐKTT: xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm) đến khu vực chợ Cái Mít, xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm tìm chị P.T.D (sinh năm: 1992, ĐKTT: xã Thạnh Phú Đông, huyện Giồng Trôm) để đòi nợ. Khi phát hiện được D. , 02 đối tượng đã đuổi theo và kéo chị D. lên xe mô tô chạy về xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Nhận được tin báo, lực lượng Công an đã triển khai lực lượng, biện pháp nghiệp vụ bắt quả tang 2 đối tượng đang giữ bị hại tại 1 quán cà phê ở địa bàn xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm. Hiện cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Giồng Trôm đã ra quyết định tạm giữ hình sự đối với: N.V.T và P.H.T về hành vi “Bắt, giữ người trái pháp luật” và tiếp tục xác minh, củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.

Theo Công an huyện, qua thực tế điều tra các vụ việc bắt giữ người trái pháp luật phần lớn xuất phát từ mâu thuẫn đời sống xã hội như: làm ăn kinh tế, vay mượn nợ… Các đối tượng chủ mưu trong những vụ việc này thường có quan hệ, quen biết với nạn nhân.
Theo quy định của pháp luật, hình phạt đối với người thực hiện hành vi bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật được quy định cụ thể tại Điều 157 Bộ luật Hình sự 2015 như sau:

“Điều 157. Tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật

  1. Người nào bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật, nếu không thuộc trường hợp quy định tại Điều 377 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:
    a) Có tổ chức;
    b) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;
    c) Đối với người thi hành công vụ;
    d) Phạm tội 02 lần trở lên;
    đ) Đối với 02 người trở lên;
    e) Đối với người dưới 18 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu hoặc người không có khả năng tự vệ;
    g) Làm cho gia đình người bị giam, giữ lâm vào tình trạng khó khăn, quẫn bách;
    h) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật từ 11% đến 45%.
  3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 05 năm đến 12 năm:
    a) Làm người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật chết hoặc tự sát;
    b) Tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục phẩm giá nạn nhân;
    c) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của người bị bắt, giữ, giam trái pháp luật 46% trở lên.“
    Theo đó, tùy thuộc vào mức độ cũng như hậu quả mà hành vi bắt giữ, người phạm tội có thể bị xử phạt cải tạo không giam giữ 3 năm hoặc phạt tù từ 3 đến 12 năm.

Để phòng tránh xảy ra tình trạng này, chính những người trong cuộc (kể cả đối tượng và nạn nhân) cần phải trang bị cho mình kiến thức cơ bản về pháp luật để không vi phạm pháp luật. Khi phát sinh những mâu thuẫn trong quan hệ dân sự, người dân cần phải bình tĩnh để giải quyết. Trong trường hợp không tự giải quyết được thì phản ảnh đến các cấp chính quyền để được hỗ trợ; đồng thời, người dân có quyền khởi kiện ra tòa án để giải quyết.
Diệu Hiền (CTV)


Ảnh: Đối tượng trong vụ bắt giữ người trái pháp luật tại Thạnh Phú Đông.

nguồn Page ANTV BẾN TRE

By badinh

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *